Một số mốc thời gian quan trọng của Hội nghị Paris Hội_nghị_Paris,_mặt_trận_ngoại_giao_năm_1968-1972

1967

  • 23 đến 26/1: Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định nâng hoạt động ngoại giao thành một mặt trận để phối hợp với mặt trận quân sự và chính trị.
  • 28/1: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trả lời phỏng vấn nhà báo Australia Winfred Burchet: "Nếu Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể nói chuyện với Mỹ".
  • 29/9: Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson tuyên bố công thức San Antonio về vấn đề nói chuyện với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
  • 29/12: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố: "Sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ nói chuyện với Mỹ về những vấn đề liên quan".

1968

  • 30 và 31/1: Lực lượng giải phóng tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân ở toàn miền Nam.
  • 31/3: Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đọc diễn văn về việc ném bom hạn chế miền Bắc Việt Nam và đề nghị nói chuyện với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
  • 3/4: Sau nhiều cuộc tiếp xúc bí mật mang tính "tiền trạm" của phía Mỹ, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố "sẽ cử đại diện tiếp xúc với đại diện Mỹ".
  • 2/5: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ thỏa thuận lấy thành phố Paris làm điểm tiếp xúc sau một cuộc tranh luận kéo dài gần một tháng.
  • 13/5: Hội nghị Paris giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ chính thức bắt đầu tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, phố Kléber. Mỹ cử Averell Harriman và Cypruc Vance, hai nhà ngoại giao kỳ cựu, làm Trưởng và Phó đoàn. Ngoài ra còn có hai chuyên gia khác về Việt Nam là Philippe Habib và W.Jordan. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có Xuân Thủy, từng nắm trọng trách Bộ trưởng Ngoại giao làm Trưởng đoàn, Phó đoàn là Hà Văn Lâu, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngoài ra còn có luật gia Phan Hiền, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân Nguyễn Thành LêNguyễn Minh Vỹ, người từng tham gia Hội nghị Geneva 1961 - 1962 về Lào.
Lập trường của Mỹ thời kỳ đầu đàm phán là: Cần có sự tham gia của Phái đoàn Chính phủ Sài Gòn; Bắc Việt Nam không vi phạm khu phi quân sự, không bắn pháo hay tên lửa vào các thành phố lớn ở miền Nam như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phản đối những đòi hỏi đó và đòi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và để Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia hội đàm.

1969

  • 25/1: 10h30" sáng, hội nghị bốn bên: VNDCCH, Chỉnh phủ Cách mạng lâm thởi Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mỹ và VNCH khai mạc trọng thể tại Paris, 5 ngày sau khi Tổng thống Lyndon Johnson rời khỏi Nhà Trắng.
  • 23/2: Richard Nixon ra lệnh ném bom "Đất thánh" của "Việt Cộng" ở Campuchia.
  • 8/3: Đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge tới gặp riêng Bộ trưởng Xuân Thủy. Sau đó ông ta đảm trách vị trí Trưởng đoàn Mỹ tại Hội nghị Paris thay ông Harriman.
  • 8/5: Phái đoàn Chỉnh phủ Cách mạng lâm thởi Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình đứng đầu đưa ra "Giải pháp hòa bình 10 điểm".
  • 14/5: Tổng thống Mỹ Richard Nixon đưa ra "Đề nghị tám điểm".
  • 6/6: Thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
  • 8/6: Tổng thống Mỹ gặp ông Nguyễn Văn Thiệu ở đảo Midway và ra tuyên bố về đợt rút quân Mỹ đầu tiên gồm 25.000 binh sĩ khỏi miền Nam Việt Nam, bước đầu thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".
  • 4/8: Henry Kissinger bí mật gặp Xuân Thủy lần đầu tiên ở Paris.
  • 15/10: Bắt đầu đợt "tạm ngừng hoạt động" ở Mỹ để phản đối chiến tranh Việt Nam. Biểu tình rầm rộ diễn ra ở hầu khắp các thành phố lớn trên đất Mỹ.
  • 3/11: Nixon tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề Việt Nam bằng thương lượng hoặc thông qua "Việt Nam hóa chiến tranh".

1970

  • Tháng 1: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định đẩy mạnh đấu tranh toàn diện ở miền Nam Việt Nam từ cuối năm 19701971, chuẩn bị cho bước quyết định vào năm 1972.
  • 21/2: Cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy gặp Henry Kissinger cùng Richard Smyer, chuyên gia về vấn đề Việt Nam và Tướng V. Walters. Bắt đầu các cuộc gặp riêng Lê Đức Thọ và Kissinger.
  • Tháng 3: Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị và ngoại giao, đòi thành lập chính phủ liên hiệp ở miền Nam.
  • 4/5: Cảnh sát Mỹ bắn chết 4 sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam ở Đại học Kent. 5 ngày sau, biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam nổ ra khắp nước Mỹ.
  • 17/9: Tại phiên họp toàn thể lần thứ 80 Hội nghị Paris, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra giải pháp "Tám điểm / nói rõ thêm" về Việt Nam, trong đó có việc rút quân Mỹ và thả tù binh cùng một thời hạn, thành lập Chính phủ Liên hiệp Lâm thời ở miền Nam Việt Nam.
  • 18/10: Tổng thống Mỹ Nixon đưa ra "Đề nghị năm điểm" mà không đòi quân miền Bắc rút khỏi miền Nam Việt Nam.
  • 10/12: Tại phiên họp toàn thể lần thứ 94 Hội nghị Paris, Nguyễn Thị Bình đưa ra "Tuyên bố ba điểm" về ngừng bắn và yêu cầu quân Mỹ rút khỏi miền Nam vào ngày 31 tháng 7 năm 1971.

1971

  • 21/4: Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai mời Tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm Bắc Kinh sau màn "ngoại giao bóng bàn" giữa Mỹ và Trung Quốc.
  • 31/5: Tại cuộc gặp riêng với Xuân Thủy, Kissinger đưa ra đề nghị "cuối cùng" bảy điểm, đòi tách riêng vấn đề quân sự và vấn đề chính trị, mặc dù trước đây Mỹ định bàn cả hai.
  • 26/6: Phái đoàn VNDCCH đưa ra "Đề nghị chín điểm".
  • 1/7: Tại hội nghị bốn bên, Chính phủ Cách mạng Lâm thời CHMNVN đưa ra "Đề nghị bảy điểm" đòi quân Mỹ rút ra khỏi miền Nam Việt Nam trong năm 1971.
  • 9/7: Kissinger tới Trung Quốc làm tiền trạm cho Tổng thống Nixon đi thăm chính thức Bắc Kinh.
  • 13/7: Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai bí mật sang Hà Nội thông báo việc Kissinger đi Bắc Kinh.
  • 16/8: Tại cuộc gặp riêng ở Trung Quốc, Kissinger đưa ra "Đề nghị tám điểm". Về cơ bản Mỹ vẫn giữ lập trường cũ: "Không muốn giải quyết toàn bộ mà chỉ muốn giải quyết vấn đề quân sự để lấy được tù binh về".
  • 20/11: Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng thăm Bắc Kinh.

1972

  • 25/1: Tổng thống Mỹ Nixon đơn phương công bố nội dung các cuộc gặp riêng và "Đề nghị tám điểm" đưa ra ngày 16 tháng 8 năm 1971.
  • 31/1: Phái đoàn VNDCCH công bố "Đề nghị chín điểm" đã trao cho ông Kissinger ngày 26 tháng 6 năm 1971, tố cáo Nhà Trắng vi phạm thỏa thuận giữa hai bên không công bố các nội dung cuộc họp riêng theo đề nghị của chính Kissinger.
  • 17/2: Tổng thống Mỹ Richard Nixon lên đường thăm Trung Quốc. Sau đó Trung Quốc và Mỹ ra Thông cáo chung Thượng Hải.
  • 22/3: Mỹ đơn phương tuyên bố ngừng họp Hội nghị Paris vô thời hạn.
  • 30/3: Mở màn cuộc tấn công chiến lược Xuân - Hè, Quân Giải phóng miền Nam mở các cuộc tấn công lớn từ Quảng Trị đến Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
  • 6/4: Tổng thống Mỹ Richard Nixon hạ lệnh ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam.
  • 15/4: Mỹ ném bom tại miền Bắc.
  • 2/5: Các ông Lê Đức Thọ và Xuân Thủy gặp lại Kissinger tại Paris. Toàn tỉnh Quảng Trị được giải phóng.
  • 8/5: Mỹ thả mìn các cảng và phong tỏa miền Bắc.
  • Tháng 6: Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định chuyển sang chiến lược hòa bình.
  • 13/7: Mỹ chấp nhận họp lại Hội nghị toàn thể bốn bên ở Paris.
  • 19/7: Tại cuộc gặp riêng, Việt Nam và Mỹ đều đưa ra tuyên bố về chính sách chung. Cuộc thương lượng bí mật giữa Lê Đức Thọ và Kissinger đi vào thực chất.
  • 1/8: Mỹ đưa ra "Đề nghị 12 điểm", VNDCCH đưa ra "Đề nghị 10 điểm".
  • 14/8: Đoàn VNDCCH trao cho Mỹ văn kiện khẳng định lại một số nguyên tắc: "Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, mọi sự dính líu về quân sự ở Việt Nam, mọi sự can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam, tôn trọng quyền tự quyết và quyền độc lập thực sự của Việt Nam; Phải thừa nhận thực tế ở miền Nam Việt Nam có 2 chính quyền, 2 lực lượng vũ trang và 3 lực lượng chính trị, cần lập một chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần".
  • 8/10: Phái đoàn VNDCCH đưa cho phía Mỹ dự thảo "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" và hai bên thảo luận cụ thể từng điều khoản.
  • 11/10: Trong cuộc gặp riêng giữa Lê Đức Thọ và Xuân Thủy với Kissinger kéo dài từ sáng ngày 11 đến 2 giờ sáng ngày 12 tháng 10, hai bên đã thảo luận về dự thảo hiệp định và lịch trình sau: 18 tháng 10 chấm dứt ném bom và thả mìn ở miền Bắc, 19 tháng 10 ký tắt Hiệp định tại Hà Nội, 26 tháng 10 ký chính thức tại Paris và 27 tháng 10 ngừng bắn ở Việt Nam.
  • 13/10: Phía Mỹ thông báo cho Đoàn Việt Nam rằng Tổng thống Nixon đã chấp nhận bản dự thảo hai bên đã bàn.
  • 20/10: Tổng thống Mỹ Richard Nixon gửi công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng và khẳng định "Văn bản hiệp định xem như đã hoàn thành" và cho biết Henry Kissinger sẽ đi Hà Nội ngày 24 tháng 10, ngày 30 tháng 10 ký hiệp định. Mỹ lập cầu hàng không mang tên "Enhance Plus" tiếp tế ồ ạt vũ khí cho Sài Gòn.
  • 21/10: Thủ tướng Phạm Văn Đồng trả lời Tổng thống Nixon rằng, sẵn sàng ký hiệp định, đồng ý thời gian biểu của Nixon nêu.
  • 23/10: Mỹ lại nêu ra nhiều trở ngại để trì hoãn việc ký Hiệp định. Nixon gửi công hàm đề nghị hai bên có cuộc gặp riêng để bàn thêm và báo Kissinger hoãn chuyến đi Hà Nội.
  • 26/10: Chính phủ VNDCCH công bố các văn kiện Việt Nam và Mỹ đã thỏa thuận và đòi Mỹ ký văn bản đó. Henry Kissinger tuyên bố "Hòa bình trong tầm tay".
  • 2/11: Richard Nixon ra lệnh B52 tấn công phía Bắc khu phi quân sự.
  • 7/11: Richard Nixon tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
  • 20/11: Thương lượng lại: Mỹ đòi sửa đổi hầu hết các vấn đề thực chất trong tất cả các chương theo yêu cầu của Việt Nam Cộng hoà.
  • 13/12: Thương lượng bế tắc. Hai bên ngừng họp để xin chỉ thị của Chính phủ mình.
  • 18/12: Tổng thống Mỹ Nixon cho máy bay chiến lược B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng, mở đầu chiến dịch mang mật danh "Cuộc hành quân Lineblacker II" kéo dài 12 ngày đêm. Đồng thời, Washington gửi công hàm cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đề nghị họp lại. Hà Nội không trả lời.
  • 22/12: Mỹ lại gửi công hàm yêu cầu họp lại với điều kiện Mỹ sẽ chấm dứt ném bom trên vĩ tuyến 20.
  • 26/12: Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đòi trở lại tình hình trước ngày 18 tháng 12 thì hai bên mới họp lại. Mỹ chấp nhận.
  • 30/12: Đúng 7 giờ sáng, Washington tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ bắc vĩ tuyến 20 và đề nghị nối lại đàm phán ở Paris. Nixon đưa quan điểm "cần đạt được một giải pháp dù đối phương đưa ra những điều kiện khắt khe" và chấp thuận tất cả những gì đã chối từ, kể cả một kết quả đàm phán ngoài mong muốn.

1973

  • 8/1: Họp lại ở Paris. Kissinger muốn xét lại về các vấn đề các quyền cơ bản của Việt Nam nhưng bị bác bỏ.
  • 10/1: Kissinger yêu cầu "điều chỉnh" lại lực lượng ở miền Nam Việt Nam (tức rút quân miền Bắc), nhưng cũng bị bác bỏ.
  • 13/1: Các bên hoàn thành văn bản của hiệp định. Kết thúc những đợt gặp riêng giữa Cố vấn Lê Đức Thọ và Cố vấn Henry Kissinger.
  • 16/1: Tổng thống Nixon gửi thư cho Nguyễn Văn Thiệu, coi Chính quyền của ông Thiệu là hợp pháp duy nhất ở miền Nam Việt Nam.
  • 23/1: Mỹ chấp nhận ký hiệp định Paris không điều kiện. Lê Đức Thọ và Kissinger tiến hành ký tắt hiệp định.
  • 27/1: Bốn bên chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và 4 nghị định thư liên quan. Tham gia lễ ký có đại diện VNDCCH là Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh, đại diện Mỹ là Ngoại trưởng William P. Rogers, đại diện CPCMLT CHMNVN là Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình và đại diện VNCH, Ngoại trưởng Trần Văn Lắm.
Hiệp định Paris về Việt Nam có 9 chương với 23 điều khoản.
  • 28/1: Ngừng bắn trên toàn miền Nam Việt Nam. Hiệp định Paris chính thức được thi hành.
  • 30/1: Tổng thống Richard Nixon gửi công hàm cho VNDCCH về việc Mỹ sẽ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam.
  • 8/2: Cố vấn Henry Kissinger tới thăm Hà Nội.
  • 21/2: Ký Hiệp định Viên Chăn về chấm dứt chiến tranh ở Lào.
  • 2/3: Đại diện 12 chính phủ tham gia Hội nghị Quốc tế về Việt Nam tại Paris, với sự có mặt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ký Định ước Paris về Việt Nam.
  • 29/3: Người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam.

Liên quan

Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên – Hoa Kỳ tại Hà Nội 2019 Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 Hội nghị Lập hiến (Hoa Kỳ) Hội nghị Thành Đô Hội nghị thượng đỉnh Bắc Triều Tiên – Hoa Kỳ 2018 Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu Hội Nam Hướng đạo Mỹ Hội Nữ Hướng đạo Mỹ Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hội_nghị_Paris,_mặt_trận_ngoại_giao_năm_1968-1972 http://www.history.com/this-day-in-history/u-s-sou... http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/nhun... http://baophapluat.vn/an-ninh-quoc-phong/su-kien-v... http://baophapluat.vn/phap-luat-4-phuong/nguyen-va... http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/tha... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/14969902-.... http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/bi-mat-ve-chiec-ban...